Múa rối nước là môn nghệ thuật đặc sắc ra đời từ nền văn hóa lúa nước. Cùng với tuồng, chèo, múa rối nước được coi là loại hình nghệ thuật có vị trí cao trong nghệ thuật sân khấu dân tộc. Tinh hoa nghệ thuật múa rối nước ngày càng nhận được nhiều sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế và trở thành cảm hứng cho nhiều thiết kế thời trang hiện đại.
“Bà con ơi… Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” Tưởng chừng đây là câu đế chuyên thuộc về làng chèo Việt Nam, song, xét kỹ lại, câu nói trên là của chú Tễu – một nhân vật đặc trưng chỉ xuất hiện trong nghệ thuật múa rối nước.
Lịch sử múa rối nước:
Hầu hết các nước trên thế giới đều có múa rối. Nhưng ở Việt Nam, múa rối đã đạt đến trình độ nghệ thuật có giá trị cao về tinh thần, gắn liền với mỗi dịp hội hè từ thời Việt cổ cách đây khoảng 2000 năm. Với rối nước, tư liệu lưu lại trên bia “Sùng Thiện Diên Linh Tự Tháp” niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1211) thời vua Lý Nhân Tông có ghi nhận trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà Vua.
Múa rối nước được xây đắp hình thành từ tâm tư, tình cảm của người dân lao động, nó tái hiện cuộc sống và khát vọng của thời đại. Giữa không gian mênh mông trời đất, có nước, cây xanh ẩn hiện mái đình cong cong màu ngói đỏ, những sân khấu múa rối nước đầu tiên được ra đời từ đó, tạo thành sự hòa quyện độc đáo giữa con người và thiên nhiên. Ngày nay, nghệ thuật múa rối nước Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn được nghiên cứu khai thác sâu và rộng hơn.
Nghệ thuật rối nước dân gian – niềm cảm hứng trong thiết kế của QUYN
Trở về những điều mộc mạc nhất
Trải qua ngàn năm thăng trầm, múa rối nước từ một loại hình giải trí trở thành niềm tự hào, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt Nam. Sân khấu của múa rối nước không có ánh đèn lộng lẫy, mà đơn giản chỉ là mái thủy đình, gốc đa, giếng nước,… những khung cảnh vốn ăn sâu vào tiềm thức của mỗi chúng ta khi nhắc về quê hương, đất nước.
Từ xuất phát điểm đó, QUYN hướng mình đến mục đích mang đến cho khách hàng những chế tác mang trong mình xúc cảm thân thuộc. Tương tự với nghệ thuật rối nước, mượn câu chuyện dân gian, thông qua hình ảnh con rối để kể về nhân tình thế thái, sản phẩm của QUYN là hiện thân cho bản ngã người sử dụng, là nơi thể hiện rõ nhất cái tôi một cách kín đáo và tinh tế. Đồng thời, qua đó lan tỏa nét đẹp của văn hóa – nghệ thuật dân gian đến gần hơn với cộng đồng công chúng trẻ tuổi.
Ứng dụng màu sắc
Với những quân rối nước sau khi tạo tượng, là sơn thếp, tô màu, vẽ nét để toát lên cái thần thái dân gian, gần gũi. Giá trị truyền thống được chắt lọc, phát huy, sáng tạo đem lại cảm giác tươi mát, đôn hậu, hiền dịu, niềm lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người.. qua cái bình dị đơn sơ của hình khối, đường nét, màu sắc làm ta liên tưởng đến những bức tranh quê hương bằng mực phẩm in trên giấy dó.
Ở nước ta, nghệ nhân chế rối nước và làm tranh khắc gỗ thường sử dụng các màu rực, nguyên chất hay các cặp màu tương phản nhưng không quá nhiều màu. Với những gam màu: hồng cánh sen cạnh xanh lơ, xanh lục, vàng cam cạnh tím hoa cà, vàng tươi cạnh màu chàm, lam. Những đường nét viền đậm tạo nên đời sống trong các hình tượng mang tính tưởng tượng thô mộc, hồn hậu.
Chính điều này đã làm nên cảm hứng trong nhiều chế tác của QUYN , khắc họa nét đặc trưng của nghệ thuật rối nước, bồi đắp sức sống của văn hóa nghệ thuật của dân tộc trong mỗi con người Việt Nam
Nụ cười đặc trưng của trong nghệ thuật rối nước
Nụ cười là biểu hiện đặc trưng của tâm hồn người Việt: nụ cười hồn nhiên, nụ cười nhân ái, nụ cười lạc quan hi vọng. Đời sống nông nghiệp lúa nước, tuy có khó khăn vất vả nhưng tâm hồn rộng mở, thân tình, trọng khách, đó là nụ cười phản ánh tâm hồn thuần phác đậm đặc chất nông thôn.
Do mục đích của các phường rối nước xưa là không vụ lợi vật chất, chỉ có khát vọng thuần túy làm vui cho bà con làng xóm dịp lễ hội, hội hè, lễ tết.. như một phần thưởng tinh thần mà dân gian truyền cho nhau, động viên nhau để vượt qua những gian khó trong lao động. Nó tạo nên không gian nghệ thuật gần gũi và đầy hi vọng về cuộc sống tươi đẹp. Cộng đồng người Việt tìm thấy hạnh phúc trong lao động và trong chia sẻ với cộng đồng làng xã.
Đây là niềm cảm hứng bất tận và xuyên suốt trong dòng chảy thiết kế của QUYN. Thể hiện một cách kín đáo thông qua một vài chi tiết nhỏ, chỉ những cá nhân đủ tinh tế mới nhận ra dụng ý nghệ thuật mà QUYN muốn truyền đạt thông qua chế tác.
Kết
Ra đời trong lòng xã hội nông nghiệp truyền thống, trải qua lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, rối nước tiếp nhận, thừa hưởng những thành tựu phong phú của văn hóa dân gian, nó đích thực là đặc sản văn hóa Việt. Từ đó, hóa thân thành điểm khởi nguồn cho nhiều ý tưởng sáng tạo của những nhà thiết kế say mê văn hóa dân gian, luôn hướng mình về mục tiêu lan tỏa nét đẹp dân dã với thế giới.
Hanh Hoa