Ở Việt Nam, không ít ngành thủ công truyền thống được ghi nhận và nhấn mạnh vai trò phát triển kinh tế. Tiêu biểu có thể kể đến mây tre đan, gốm sứ, điêu khắc gỗ, sơn mài, dệt thủ công,… Tuyệt nhiên, trong số đó vắng bóng ngành đồ da thủ công.
Được biết ngành đồ da thủ công tại Việt Nam đã phát triển từ rất lâu đời, xuất phát điểm là ngành giày da. Đầu thời Mạc, tiến sĩ Nguyễn Thời Trung phụng mệnh triều đình đi sứ nhà Minh dâng lễ cống. Trong thời gian lưu lại ở kinh đô Trung Quốc, các ông vẫn ngày ngày làm việc trong sứ quán, tối tối lại dạo khắp kinh thành thăm dò quan sát xem xét nên học nghề gì? Thấy một tiệm chuyên đóng giày dép cho vua quan, các ông bàn bạc quyết tâm học bằng được nghề này. Hết thời gian đi sứ, các ông về nước mang theo những bí quyết về nghề da giầy. Các ông cũng tự đóng được một số mẫu giày đem dâng vua và tâu lên vua ý định truyền bá nghề này cho dân làng. Vua thấy giày đóng rất đẹp, ngợi khen và chấp nhận lời thỉnh cầu của các ông, sắc phong cho là: “Dực bảo trung hưng tôn thần”. Sau này triều đình lại sắc phong cho Nguyễn Thời Trung làm Thành hoàng làng kiêm tổ nghề da giày.
“Lịch sử không nói dối”. Ngành đồ da thủ công đã có từ rất lâu đời, nhưng tại sao mới chỉ được yêu thích và biết đến rộng rãi một vài năm gần đây? Trả lời cho câu hỏi này, lý do duy nhất là sự phát triển tất yếu của tháp nhu cầu. Những chế tác thủ công đáp ứng được mong muốn thể hiện bản thân một cách kín đáo qua từng đường kim mũi chỉ. Mỗi chi tiết tựa một tạo vật có sức sống – điều mà các ngành công nghiệp không thể thực hiện được.
Nói như vậy, ngành da thủ công hiện nay là đơn thuần là sự phát triển dựa trên những nền tảng được đặt sẵn trước đó? Không hẳn. Đồ da thủ công có được sự công nhận từ một nhóm đối tượng nhất định như hiện nay là bởi tính “cá nhân hóa” mà người nghệ nhân ưu ái đặt vào từng sản phẩm, tối ưu hóa khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một chế tác da thủ công khi hoàn thiện không chỉ là hiện thân của cái đẹp tinh xảo mà còn đại diện cao nhất cho cá nhân chủ sở hữu.
QUYN là một thương hiệu đem đến những chế tác như vậy. Hình thành khi ngành đồ da thủ công tại Việt Nam chưa nhận được nhiều sự công nhận, QUYN đi theo hướng mà ít thương hiệu đồ da thủ công nào dám làm: Cá nhân hóa. Để hoàn thiện được một sản phẩm cá nhân hóa, người nghệ nhân phải đạt đến trình độ nhất định trong lĩnh vực về cả kiến thức và kỹ thuật, đồng thời, đủ đam mê để dành thời gian hàng tuần trời cho một chế tác.
Ngược dòng thời gian khi anh Quynh – Người sáng lập của QUYN còn là một cậu bé có niềm đam mê với những công việc yêu cầu sự tỉ mỉ không phải ai cũng làm được. Anh yêu thích mỹ thuật và định hướng theo ngành thiết kế đồ họa ứng dụng. Đến với da thủ công tuy không là lựa chọn hàng đầu nhưng là cơ hội mà định mệnh muốn anh gặp được. Kết hợp cùng đam mê cho những chế tác thủ công, anh chọn cho thương hiệu của mình một lối đi riêng, tuy khác biệt về tiêu chí nhưng gặp nhau ở lòng tôn thờ cái đẹp, chất lượng sản phẩm và giá trị cốt lõi.
Mỗi công đoạn nhỏ trong quá trình thực hiện đồ da của QUYN đều là những tính toán vô cùng kỹ lưỡng và đòi hỏi sự chuẩn xác cao. Sẽ không thể có một mũi chỉ thừa hay thiếu trên bất kỳ sản phẩm, bởi QUYN thực hiện việc kiểm soát mũi chỉ và đưa ra những yêu cầu rất khắt khe cho từng công đoạn. Việc pha, cắt và xử lý tấm da cũng đòi hỏi độ chính xác cao, với độ chính xác tuyệt đối. Các công đoạn lại càng khó khăn hơn khi tiêu chuẩn mà QUYN đang sử dụng cũng là tiêu chuẩn của những cái tên hàng đầu thế giới như Hermes hay Louis Vuitton.
Kết
Khả năng ham học hỏi và thích nghi không ngừng của nghệ nhân chính là yếu tố duy nhất đưa ngành da thủ công từ “kế thừa” biến thành “tái sinh”. Trong hành trình tất yếu đó, “cá nhân hóa” lại là phương thức sáng tạo mới, là động lực phát triển, dẫn dắt ngành đồ da thủ công đem niềm tự hào dân tộc đến thị trường quốc tế.
Phuong Anh.